Thuở thiếu thời Joseph Goebbels

Paul Joseph Goebbels sinh ngày 29 tháng 10 năm 1897 tại Rheydt, một thành phố công nghiệp nằm về phía nam Mönchengladbach, gần Düsseldorf.[2] Cha mẹ Goebbels đều là những người theo Công giáo và xuất thân từ tầng lớp thấp kém trong xã hội.[2] Fritz, cha của Goebbels, là một đốc công; còn mẹ ông, Katharina (née Odenhausen), từng là một tá điền, bà là người Hà Lan.[3][2] Goebbels có năm anh chị em ruột: Konrad (1893–1947), Hans (1895–1949), Maria (1896–1896), Elisabeth (1901–1915), và Maria (1910–1949),[2] người sau này đã kết hôn với nhà làm phim Đức Max W. Kimmich vào năm 1938.[4] Năm 1932, Goebbels công bố một cuốn sách nhỏ về gia phả của mình nhằm bác bỏ những tin đồn cho rằng bà ông có gốc gác Do Thái.[5]

Thuở nhỏ, sức khỏe của Goebbels là không được tốt với những lần ốm đau, bệnh tật, trong đó có một đợt viêm phổi kéo dài. Bàn chân phải của ông bị dị tật, nó quẹo vào trong, dầy và ngắn hơn bàn chân trái, do nguyên nhân bẩm sinh.[2] Ông từng trải qua một đợt điều trị giải quyết dị tật này ngay trước khi bước vào tiểu học, tuy nhiên không thành công.[6] Do một chân ngắn, Goebbels thường phải đeo một vật dụng ở chân và sử dụng một loại giày đặc biệt; bước đi của ông là khập khễnh. Điều này cũng là nguyên nhân khiến ông không thể phục vụ cho quân đội trong thời kỳ Thế chiến thứ nhất.[7]

Goebbels từng theo học tại một trường Gymnasium[lower-alpha 1] Cơ đốc và hoàn thành kỳ thi Abitur[lower-alpha 2] vào năm 1917.[8] Tại lớp của mình, Goebbels là học sinh đứng đầu và theo truyền thống ông đã vinh dự được phát biểu tại lễ trao giải.[9] Cha mẹ Goebbels ban đầu kỳ vọng con trai họ sẽ trở thành một linh mục Công giáo và Goebbels thật sự đã cất nhắc về điều này.[10] Quãng thời gian tiếp theo Goebbels nghiên cứu văn học và lịch sử tại các trường đại học Bonn, Würzburg, Freiburg, và Munich.[11] Trong giai đoạn đó ông bắt đầu không còn chú tâm đến tôn giáo.[12]

Các nhà sử học, trong đó có Richard J. EvansRoger Manvell, cho rằng việc luôn được phái nữ theo đuổi suốt cuộc đời có thể coi như một sự bù đắp cho thể trạng ốm yếu của Goebbels.[13][14] Vào tháng 5 năm 1918, tại Freiburg, Goebbels gặp gỡ và rơi vào cuộc tình với Anka Stalherm, một người con gái hơn ông ba tuổi.[15] Hai người đã cùng tới Würzburg để tiếp tục quá trình học tập, rèn luyện.[7] Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, vào năm 1920, mối quan hệ giữa họ chấm dứt và ý định tự tử đã lấp đầy tâm trí Goebbels vì điều này.[16][lower-alpha 3] Trong năm 1921, Goebbels viết một cuốn tiểu thuyết bán tự truyện có tựa Michael, một tác phẩm gồm ba phần mà hiện chỉ còn sót lại phần I và III.[17] Ông cảm thấy như đang tự thuật lại câu chuyện của riêng mình.[17] Goebbels có thể đã thêm vào nội dung bài Do Thái và tư liệu về một người lãnh đạo có sức lôi cuốn không lâu trước thời điểm cuốn sách được nhà xuất bản của đảng Quốc xã Eher-Verlag cho xuất bản năm 1929.[18]

Trong quãng thời gian học tập và nghiên cứu tại đại học Heidelberg, Goebbels làm luận án tiến sĩ về Wilhelm von Schütz, một nhà soạn kịch lãng mạn thế kỷ 19.[19] Ông từng kỳ vọng được làm luận án dưới sự hướng dẫn của Friedrich Gundolf, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng tại thời điểm đó. Dường như Goebbels không cảm thấy khó chịu với việc Gudolf là người Do Thái.[20] Tuy nhiên, Gundolf đã không còn thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, do đó ông giới thiệu Goebbels đến giáo sư cùng cộng tác Max Freiherr von Waldberg, ông này cũng là người Do Thái.[20] Waldberg là người gợi ý cho Goebbels đề tài luận án về Wilhelm von Schütz. Sau khi trải qua quá trình làm luận án và một kỳ thi vấn đáp, Goebbels đạt học vị Tiến sĩ Triết học vào năm 1921.[21]

Giai đoạn tiếp theo, Goebbels trở về nhà và làm công việc trợ giáo, bên cạnh đó ông còn kiếm được chân ký giả cho một tờ báo địa phương. Tư tưởng bài Do Thái đang dần lớn mạnh, và việc không ưa văn hóa hiện đại đã được phản ánh qua những bài viết của Goebels khi đó.[22] Vào mùa hè năm 1922, Goebels gặp gỡ và bắt đầu cuộc tình với Else Janke, một giáo viên.[23] Sau khi Janke tiết lộ việc mang nửa dòng máu Do Thái trong mình, Goebbels phát biểu "sự lôi cuốn đã tiêu tan".[23] Dẫu vậy, mối quan hệ giữa họ vẫn tiếp tục cho đến năm 1927.[24]

Goebbels tiếp tục cố gắng trong vòng vài năm để trở thành một tác giả.[25] Ông bắt đầu viết nhật ký từ năm 1923 như một cách giải tỏa đam mê viết lách và duy trì thói quen này trong suốt phần còn lại của cuộc đời.[26] Với việc không kiếm được thu nhập từ hai tác phẩm văn học của mình (ông viết hai vở kịch vào năm 1923, cả hai đều không bán được[27]), Goebbels buộc phải làm các việc như người gọi điện ở sở giao dịch chứng khoán và thư ký ngân hàng ở Cologne, một công việc mà ông ghét cay ghét đắng.[28][29] Sau khi bị sa thải khỏi ngân hàng vào tháng 8 năm 1923, Goebbels trở về Rheydt.[30] Trong quãng thời gian này, ông say mê đọc và chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của Oswald Spengler, Fyodor Dostoyevsky, và Houston Stewart Chamberlain, nhà văn người Đức sinh ra ở Anh với The Foundations of the Nineteenth Century (1899) là một trong những tác phẩm được xem là tiêu chuẩn của phe cực hữu tại Đức.[31] Ông cũng bắt đầu nghiên cứu "vấn đề xã hội" và đọc các tác phẩm của MarxEngels.[32] Theo tiểu sử gia Peter Longerich, văn phong nhật ký của Goebbels giai đoạn từ cuối 1923 đến đầu 1924 biểu lộ một người đàn ông cô độc, bận tâm bởi các vấn đề "tôn giáo-triết học", và thiếu đi năng lực định hướng.[33] Kể từ giữa tháng 12 năm 1923 trở về sau, nội dung nhật ký cho thấy Goebbels hướng đến phong trào dân tộc völkisch.[34]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Joseph Goebbels //nla.gov.au/anbd.aut-an35129689 //www.amazon.com/dp/B0011UXVDG http://www.aolsvc.merriam-webster.aol.com/dictiona... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://pressechronik1933.dpmu.de/zur-historischen-... http://research.calvin.edu/german-propaganda-archi... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb11905264v http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb11905264v http://www.idref.fr/026895455